Giám mục Giuse_Nguyễn_Năng

Bổ nhiệm và thăm viếng

Từ ngày 25 tháng 7 năm 2009, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Năng, hiện đang là Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Lộc, làm Giám mục chính tòa Phát Diệm.[15][16] Cùng được công bố với tin tức này, liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam còn có các tân giám mục quản lý các giáo phận khác như giám mục Giuse Vũ Duy Thống làm giám mục Giáo phận Phan Thiết, giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ làm giám mục Giáo phận Thái Bình và giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc Tôma Vũ Đình Hiệu làm giám mục phó Giáo phận Bùi Chu.[17] Sau khi tông sắc bổ nhiệm được công bố, tất cả các nhà thờ thuộc Giáo phận Phát Diệm đã kéo chuông loan tin mừng bổ nhiệm tân giám mục vào sáng ngày Chủ nhật 26 tháng 7.[18] Giám mục Nguyễn Năng chọn khẩu hiệu "Hiệp Thông và Phục Vụ".[8] Ông là Giám mục thứ 100 của hàng Giám mục Việt Nam và là Giám mục thứ 13 tốt nghiệp từ Giáo hoàng Học viện Piô X.

Chân dung Giám mục Nguyễn Năng

Nói về cảm xúc cá nhân sau khi tin tức bổ nhiệm giám mục chính thức được công bố, tân giám mục Nguyễn Năng cho biết ông ngỡ ngàng với trách nhiệm và những khó khăn. Ông cho rằng ông cũng như các linh mục khác chỉ mong ước làm linh mục, không mong đợi làm giám mục và ông chấp nhận lời mời trở thành giám mục vì tinh thần của Giáo hội Công giáo. Giám mục Nguyễn Năng cũng cho rằng tất cả là nhờ ơn từ Thiên Chúa, nhưng có những ơn ông thích và cũng có những ơn ông không thích. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự lo lắng của mình, ngại ngùng khi phải rời xa giáo phận Xuân Lộc, nơi ông gắn bó hơn 50 năm trong cuộc đời. Nói về Giáo phận Phát Diệm, ông cho biết dù sinh ra tại đây nhưng ông không biết nhiều về quê hương và có kiến thức qua sách vở và những chuyến thăm quê hương với tư cách là khách du lịch. Giám mục Năng cho rằng ông phải học trở thành người Phát Diệm qua các phong tục tập quán, văn hoá,...[19]

Huy hiệu thời làm Giám mục của Tổng giám mục Nguyễn Năng

Giải thích về khẩu hiệu Giám mục: Hiệp Thông – Phục Vụ, giám mục Nguyễn Năng dẫn giải rằng theo sách công vụ Tông Đồ, Hiệp thông (koinonia) và Phục vụ (diakonia) là hai yếu tố nòng cốt làm thành đời sống của Giáo hội Công giáo với mục đích làm chứng (marturia) cho Sự phục sinh của Giêsu. Ông cho rằng muốn làm chứng cho Thiên Chúa, Giáo hội Công giáo cần phải hiệp thông và phục vụ. Hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, các thành phần giáo dân và những người ngoài tôn giáo. Nói về nửa khẩu hiệu là "Phục vụ", ông cho rằng Giáo hội Công giáo được sai đến để phục vụ con người. Các thành phần trong giáo phận cần dấn thân phát triển môi trường xã hội trong nhiều khía cạnh.[19]

Nói về hình ảnh biểu tượng huy hiệu, giám mục Năng trình bày rằng hình ảnh ba người giang tay liên kết với nhau để làm thành chữ H-T tức là Hiệp Thông, đồng thời gợi nhắc Tam quan của Phương đình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Ông cho rằng hình ảnh biểu tượng này nhằm toát lên sự hiệp thông của giáo hội tại địa phương. Về hình ảnh thánh giá, ông cho biết vị trí nằm giữa huy hiệu tượng trưng cho Thánh giá Ðức Kitô nằm ở trung tâm đời sống Giáo hội và bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo Hội, kèm màu nền đỏ biểu trưng cho sự sống khởi nguồn từ thánh giá.[19]

Ngay sau khi tin bổ nhiệm chính thức được công bố, Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám quản Tông Toà Giáo phận Phát Diệm có thư gửi cộng đồng giáo dân Giáo phận Phát Diệm nhằm mục đích tin tức về tân giám mục Nguyễn Năng.[20] Ngay ngày 27 tháng 7, phái đoàn Giáo phận Phát Diệm do giám quản Nguyễn Chí Linh dẫn đầu đã đến chào thăm tân giám mục, đang ở tại Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Tại buổi gặp mặt, giám mục Linh đã trao các biểu tượng giáo phận cho vị tân giám mục như: bản đồ giáo phận, con dấu giáo phận, cuốn tự thuật về các Linh mục và các Thầy phó tế. Đồng thời, giám mục Linh cũng trao tặng tân giám mục các phẩm phục chức giám mục: mũ mitra, mũ zucchetto, gậy Mục tử, thánh giá đeo ngực, nhẫn giám mục. Tại buổi gặp này, giám mục Nguyễn Chí Linh cũng bàn giao nhiệm vụ giám mục tại Phát Diệm cho tân giám mục Tân cử. Giám mục Nguyễn Năng kêu gọi mọi người cộng tác với mình để phát triển Giáo phận Phát Diệm về mọi phương diện.[21]

Giám mục Nguyễn Năng thực hiện chuyến viếng thăm Giáo phận Phát Diệm kéo dài từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 8 năm 2009. Ông đáp xuống sân bay Nội Bài trưa ngày 10 tháng 8. Sau khi đến Hà Nội, đoàn đến chào thăm Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và giám mục phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh sau đó về Toà giám mục Phát Diệm. Trong những ngày này, giám mục Nguyễn Năng đến thăm các địa điểm quan trọng thuộc giáo phận: giáo xứ Hảo Nho, nơi đầu tiên thừa sai linh mục Alexandre De Rhodes đến địa phận Phát Diệm, dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương Phát Diệm, nhà thờ chính tòa Phát Diệm, nhà xứ Phát Diệm, thăm các linh mục hưu dưỡng tại nhà hưu Phát Diệm. Ông cũng có buổi gặp mặt với linh mục đoàn và nghi thức bàn giao từ giám mục Nguyễn Chí Linh. Ngày 12 tháng 8 năm 2009, phái đoàn giáo phận do hai giám mục đến chào thăm và cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn và thị trấn Phát Diệm.[22]

Nhậm chức và quản lý

Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh (trái) và giám mục Giuse Nguyễn Năng trong chuyến hành hương Ad Limina 2018

Giám mục Nguyễn Năng chính thức về Giáo phận Phát Diệm vào ngày 24 tháng 8 năm 2009. Trên đường về Toà giám mục Phát Diệm, ông có đến thăm một số giáo xứ như giáo xứ Ninh Bình, Phúc Nhạc.[23]

Lễ tấn phong Giám mục cho tân giám mục Nguyễn Năng được tổ chức vào lúc 8 giờ 30 phút ngày thứ ba ngày 8 tháng 9 năm 2009 tại Nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Trong nghi thức truyền chức của giám mục Năng, vị chủ phong là giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc. Hai giám mục phụ phong là Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa, nguyên giám quản Giáo phận Phát Diệm và nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm là Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến.[24] Khoảng 20.000 giáo dân đã tham gia lễ tấn phong.[25]

Sau lễ tấn phong hai ngày, giám mục Nguyễn Năng dẫn đoàn linh mục Giáo phận Phát Diệm đến thăm Giáo phận Thanh Hoá nhằm gửi lời cảm ơn giám mục giáo phận này là Nguyễn Chí Linh đã chăm sóc mục vụ cho Giáo phận Phát Diệm trong tư cách Giám quản Tông Toà trong suốt hai năm.[26]

Trong vụ việc mâu thuẫn giữa chính quyền Việt Nam và các giáo dân tại giáo xứ Đồng Chiêm, các giám mục giáo tỉnh Hà Nội, trong đó có giám mục Giuse Nguyễn Năng đồng ký tên bày tỏ tình liên đới với các giáo dân trong vụ việc này. Bức thư được ký ngày 8 tháng 1 năm 2010.[27]

Giám mục Nguyễn Năng có chuyến đi Hoa Kì kéo dài hơn một tháng từ ngày 3 tháng 5 đến ngày 15 tháng 6 năm 2012 với mục đích thăm và sinh hoạt mục vụ các linh mục và tu sĩ nam nữ cũng như giáo dân gốc Giáo phận Phát Diệm sinh sống tại đây.[28] Tháng 10 năm 2012, giám mục Nguyễn Năng tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm Hóa tổ chức tại Roma. Ông sau đó có tên trong danh sách các nghị phụ sang thăm Syria để chứng kiến tận mắt tình hình chiến tranh tại quốc gia này.[29][30][31]

Năm 2013, giám mục Nguyễn Năng được Hội đồng giám mục chọn làm Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kì 2013 – 2016.[32]

Trước hiện tượng gọi là Sứ Điệp Từ Trời len lỏi vào các nhóm cầu nguyện, nhiều người lan truyền và xuất hiện cả trong bài giảng thánh lễ Công giáo, Giám mục Nguyễn Năng trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn ký thông báo đề ngày 14 tháng 4 năm 2015. Nội dung thông cáo nhận định nội dung các sứ điệp trên có các tác giả ẩn danh, gieo rắc hoang mang, có nhiều điều không phù hợp với đức tin Công giáo: tin vào học thuyết ngàn năm đã bị bác bỏ; ủng hộ Giáo hoàng Biển Đức XVI, xúc phạm giáo hoàng Phanxicô; lẫn lộn giữa sự thật và sai lầm trong các vấn đề mầu nhiệm Đức Kitô, Huấn quyền, bí tích, luân lý. Từ đó, Giám mục Năng nhắc nhở các giáo hữu không đọc, không phổ biến và không rao giảng về các sứ điệp trên.[33] Tháng 5 năm 2016, trong chuyến thăm mục vụ tại miền nam bang California, Hoa Kỳ, giám mục Nguyễn Năng đã đến thăm trụ sở toà báo Công giáo Hải ngoại VietCatholic và gặp linh mục Gioan Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic.[34]

Ngày 5 tháng 10 năm 2016, Đại hội lần thứ XIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam bầu chọn giám mục Nguyễn Năng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kì 2016 – 2019.[35][36]

Giữa tháng 1 năm 2018, giám mục Nguyễn Năng và các linh mục giáo phận đón tiếp phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh viếng thăm Giáo phận Phát Diệm. Đoàn ngoại giao do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Antoine Camilleri dẫn đầu.[37] Trong kỳ Hội nghị thường niên lần II của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức tại Giáo phận Mỹ Tho, ngày 27 tháng 9 năm 2018, ông và Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng Tổng giám mục Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam Marek Zalewski đến viếng cố Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội.[38]

Nêu lên quan điểm trên trang tin Thánh bộ Gia đình và Sự sống, Giám mục Nguyễn Năng đánh giá tình hình tại Việt Nam là gia tăng tình trạng ly thân và ly dị, chủ nghĩa duy vật ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống các gia đình.[39]

Năm 2018, có nhiều tin đồn cho rằng giám mục Nguyễn Năng sẽ về Tổng giáo phận Hà Nội làm Tổng giám mục, tin này sau đó không diễn ra như đồn đoán.[40] Cuối tháng 8 năm 2019, lại rộ lên tin đồn giám mục Nguyễn Năng về Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh làm Tổng giám mục. Linh mục Gioan Trần Công Nghị cho rằng các tin đồn bổ nhiệm giám mục tung ra sau các cuộc gặp gỡ Nhóm làm việc chung Việt Nam – Toà Thánh thường không chính xác. Linh mục Nghị khuyến khích giáo dân cầu nguyện và chờ tin bổ nhiệm từ Toà Thánh, tránh rao tin đồn có thể ảnh hưởng đến các giám mục được thuyên chuyển.[41]

Các giám mục Việt Nam từ 27 giáo phận họp Đại hội XIV Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2019. Trong khuôn khổ đại hội, các giám mục đã sắp xếp và bầu chọn nhân sự trong hội đồng. Kết quả, các giám mục tiếp tục chọn Giám mục Nguyễn Năng đảm trách vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục trong nhiệm kỳ 2019 - 2022.[5]

Trong thời kỳ giám mục, ông cũng viết lời cho bài hát "Loan báo Tin Mừng", cộng tác với phần nhạc do Thế Thông biên soạn.[42][43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giuse_Nguyễn_Năng http://www.catruong.com/baihat/tanhien/LoanBaoTinM... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-chao-mung-... http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ban-thuong-vu-... http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bien-ban-dai-h... http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ub-giao-ly-duc... http://www.asianews.it/news-en/Bishop-N%C4%83ng-to... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/4-bo-nhiem... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/phat-diem-... http://danchuausa.net/hiep-thong/toi-len-an-vu-vie...